Investing.com -- Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã vạch ra lộ trình phát triển điện hạt nhân, với mục tiêu đóng góp khoảng 1,7–2,2% tổng công suất phát điện quốc gia trong giai đoạn 2030–2035, và giữ mức 1,4–1,7% vào năm 2050.
Theo Quyết định 768/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, mục tiêu trọng tâm là đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp điện ổn định, an toàn, đáp ứng tiêu chí N-2 cho các khu vực trọng điểm và các nhà máy điện hạt nhân; đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo.
Với điện hạt nhân, quy hoạch bám sát định hướng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 174 (ngày 30/11/2024), Nghị quyết 189 (ngày 19/2) về cơ chế đầu tư đặc biệt cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, và Chỉ thị số 1 (ngày 3/1) của Thủ tướng. Cụ thể, trong giai đoạn 2030–2035, hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động với tổng công suất từ 4.000–6.400 MW. Đến năm 2050, cần bổ sung thêm khoảng 8.000 MW điện hạt nhân để làm nguồn điện nền, và có thể tăng thêm tùy vào nhu cầu thực tế.
Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện phục vụ nhu cầu trong nước (không tính xuất khẩu) đạt khoảng 183.291–236.363 MW, trong đó điện hạt nhân đóng góp từ 4.000–6.400 MW, tương đương 1,7–2,2% tổng công suất. Nếu điều kiện cho phép, tiến độ phát triển điện hạt nhân có thể được đẩy nhanh hơn.
Về cơ cấu nguồn điện, điện mặt trời dẫn đầu với công suất 46.459–73.416 MW (chiếm khoảng 25,3–31,1%), tiếp theo là thủy điện (14,7–18,2%), nhiệt điện than (13,1–16,9%), điện gió trên bờ và gần bờ (14,2–16,1%), và nhiệt điện LNG (9,5–12,3%).
Ngoài ra, điện nhập khẩu từ Lào và Trung Quốc dự kiến đạt 9.360–12.100 MW, chiếm khoảng 4–5,1% tổng công suất, và có thể được đẩy sớm tùy điều kiện thuận lợi.
Đến năm 2050, tổng công suất điện phục vụ trong nước dự kiến tăng mạnh lên 774.503–838.681 MW, trong đó điện hạt nhân chiếm 10.500–14.000 MW, tương ứng 1,4–1,7% tổng công suất.
Về hệ thống lưới truyền tải 500 kV và 220 kV phục vụ các khu vực quan trọng và các nhà máy điện hạt nhân, quy hoạch đưa ra các giải pháp đồng bộ về pháp luật, chính sách và khoa học – công nghệ. Trong đó, việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý là cần thiết để tạo nền tảng cho phát triển điện hạt nhân, đi kèm với việc thiết lập hệ thống quy chuẩn nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân.
Về khoa học – công nghệ, quy hoạch nhấn mạnh yêu cầu tăng cường năng lực hạ tầng kỹ thuật và tiềm lực công nghệ quốc gia để hỗ trợ triển khai, vận hành an toàn và bảo mật cho điện hạt nhân.