Investing.com -- Chính quyền Mỹ đang lên kế hoạch triển khai các cuộc đàm phán thương mại theo từng giai đoạn, dựa trên một khuôn khổ mới được xây dựng nhằm thiết lập các nguyên tắc chung cho nhiều vòng thương lượng khác nhau.
Theo Wall Street Journal (WSJ), nhằm đơn giản hóa tiến trình đàm phán về chính sách thuế đối ứng dưới thời Tổng thống Donald Trump, các quan chức Mỹ dự kiến áp dụng một khung đàm phán do Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) soạn thảo, tập trung vào các nhóm chủ đề trọng yếu.
Theo các nguồn tin am hiểu về tài liệu này, khuôn khổ đàm phán sẽ bao gồm: thuế quan và hạn ngạch, các rào cản phi thuế quan, thương mại kỹ thuật số, quy tắc xuất xứ, cùng các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế và thương mại.
Trong mỗi nhóm, Mỹ sẽ xác định các vấn đề cụ thể đối với từng đối tác, đồng thời giữ khả năng điều chỉnh nội dung dựa trên các ý kiến phản hồi.
"USTR đang làm việc theo một hệ thống có tổ chức và rõ ràng, đồng thời thúc đẩy tiến trình nhanh chóng với các đối tác sẵn sàng hợp tác," một người phát ngôn USTR cho biết. "Tổng thống Trump và USTR đã nêu rõ các mục tiêu của Mỹ, và các đối tác đã hiểu rõ phạm vi những gì họ có thể đàm phán."
Theo các nguồn tin, Mỹ dự kiến tổ chức đàm phán với khoảng 18 đối tác thương mại lớn trong vòng hai tháng tới theo mô hình "cuốn chiếu": mỗi tuần sẽ có sáu quốc gia tham gia, chia thành ba vòng để hoàn thành chu kỳ. Chu kỳ này sẽ tiếp tục cho đến hạn chót ngày 8/7 – thời điểm Mỹ sẽ áp thuế đối ứng với các quốc gia không đạt thỏa thuận, trừ khi Tổng thống Trump quyết định gia hạn thêm 90 ngày.
Tuy vậy, lịch trình có thể bị gián đoạn nếu phát sinh các vấn đề phức tạp.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng cho biết chính quyền đã nhận được 18 văn bản đề xuất từ các đối tác và đang trong quá trình xem xét.
Hiện chưa rõ danh sách cụ thể các quốc gia tham gia theo khuôn khổ mới hoặc đàm phán riêng biệt. Một số nước như Ấn Độ được cho là đã đạt tiến triển, sau khi chấp thuận các điều khoản đàm phán tổng thể trong chuyến thăm New Delhi của Phó Tổng thống JD Vance.
Mexico và Canada – hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ – nhiều khả năng sẽ không tham gia khuôn khổ mới do họ không nằm trong diện áp thuế đối ứng theo các sắc lệnh của ông Trump.
Trong khi đó, Trung Quốc – đối tác lớn thứ ba – đang đàm phán theo một lộ trình riêng, do đã bị áp thuế cao hơn đáng kể (ít nhất 145%).
Tổng thống Trump tuần này xác nhận Mỹ vẫn duy trì liên lạc thường xuyên với Trung Quốc, mặc dù Bắc Kinh phủ nhận việc có đàm phán thực chất.
Ngày 25/4, ông Trump cho biết đã điện đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết và nhấn mạnh sẽ không dỡ bỏ thuế trừng phạt nếu không có nhượng bộ đáng kể từ Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington sau đó cũng phủ nhận việc có các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Đối với các nước khác, quá trình đàm phán vẫn ở giai đoạn thảo luận sơ bộ, theo các nguồn tin liên quan. Một số đối tác cho biết Mỹ vẫn chưa trình bày các yêu cầu cụ thể.
Ủy viên Kinh tế của EU tuần này xác nhận rằng khối này vẫn đang chờ đề xuất chi tiết từ phía Washington, dù USTR khẳng định họ đã nhiều lần chia sẻ khuôn khổ đàm phán với châu Âu.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác cũng đang xây dựng các nguyên tắc đàm phán riêng của mình.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết EU sẽ không đàm phán về các lĩnh vực như thuế giá trị gia tăng (VAT) hay trợ cấp nông nghiệp. Anh quốc cũng nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và quy định về ô tô sẽ không nằm trong phạm vi đàm phán, khẳng định đây là vấn đề thuộc quyền tự quyết của nước này.