Investing.com -- Ông Elon Musk cân nhắc rút khỏi chính phủ Mỹ giữa loạt chỉ trích và mất dần ảnh hưởng.
Tỷ phú Elon Musk đang xem xét rút lui khỏi vị trí tại Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ (DOGE) do áp lực ngày càng gia tăng từ các cuộc công kích của phe cánh tả và sự suy giảm ảnh hưởng trong nội bộ chính quyền – theo nguồn tin của Washington Post.
Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể ông Musk sẽ từ nhiệm, song theo quy định hiện hành, vai trò "nhân viên đặc biệt" của ông sẽ chính thức kết thúc vào cuối tháng tới. Một nguồn tin thân cận cho biết ông Musk tin rằng việc ông rút lui sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của DOGE, do bộ máy điều hành hiện đã ổn định và thiết lập được ảnh hưởng tại nhiều cơ quan liên bang.
Trong khi đó, các đồn đoán về khả năng ông rời đi ngày càng lan rộng, đặc biệt khi vị thế của ông Musk tại Nhà Trắng đang dần suy yếu. Gần đây, New York Times đưa tin Giám đốc quyền lực của Sở Thuế vụ (IRS) đã bị thay thế sau khi Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phản đối việc ông Musk tự ý bổ nhiệm nhân sự mà không tham khảo ý kiến ông. Ông Musk cũng bị chỉ trích vì những động thái cắt giảm chi phí mà không thông qua các thành viên nội các.
Nhà phân tích Dan Ives từ Wedbush Securities cho rằng ông Musk nên rút khỏi chính phủ để tập trung hoàn toàn cho Tesla (NASDAQ:TSLA) – công ty đang bước vào giai đoạn được ông mô tả là “báo động đỏ”. Trong một thông điệp gửi đến nhà đầu tư ngày 20/4, Ives viết: “Ông Musk cần rời DOGE và quay về vai trò CEO toàn thời gian tại Tesla. Ông Musk là linh hồn của Tesla – và ngược lại.”
Ông cảnh báo rằng hình ảnh thương hiệu Tesla đang bị gắn với chính quyền Trump và DOGE, khiến hãng xe điện này trở thành biểu tượng chính trị nhạy cảm trên toàn cầu. Theo Ives, điều đó có thể khiến Tesla mất từ 15-20% nhu cầu dài hạn do những phát ngôn và hành vi gây tranh cãi của ông Musk.
Washington Post cũng tiết lộ một thông tin gây tranh cãi khác: ông Musk từng yêu cầu nhân viên liên bang phải gửi email hàng tuần báo cáo năm việc đã hoàn thành trong tuần trước. Ông cảnh báo việc không gửi email sẽ bị xem là hành vi “tự ý nghỉ việc”. Tuy nhiên, chỉ hai ngày sau, Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) đã tổ chức họp nội bộ và khẳng định yêu cầu này là tự nguyện, không mang tính cưỡng chế – theo một email mà The Post thu thập được.
Hiện các cơ quan liên bang đang phản ứng khác nhau với quy định trên: một số đã bỏ hoàn toàn, số khác giữ lại nhưng không kiểm tra nghiêm ngặt. Nhiều nhân viên vẫn tiếp tục gửi email hàng tuần, song phần lớn mang tính hình thức hoặc đơn giản là cho... vui.