Investing.com -- Trong bối cảnh giá vàng leo thang chưa từng có, Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đang tăng tốc kế hoạch nâng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Sàn Giao dịch Vàng Thượng Hải (SGE).
Theo Kitco, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng ba cơ quan chính phủ vừa công bố kế hoạch hành động nhằm tăng cường dịch vụ tài chính xuyên biên giới tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Thượng Hải. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa SGE, với tham vọng đưa sàn này trở thành trung tâm xác lập giá vàng toàn cầu, bên cạnh những tên tuổi như London Metal Exchange (LME).
Khác với cơ chế định giá truyền thống dựa trên giao dịch OTC của phương Tây, Trung Quốc sẽ định hướng lấy SGE làm trung tâm định giá chính thức. Một loạt ngân hàng quốc tế như HSBC, ANZ hay Standard Chartered đã được tiếp cận để cùng tham gia.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng lên kế hoạch thiết lập các kho vàng ở nước ngoài, thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong giao dịch kim loại quý và tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường nội địa. Đây là nỗ lực mới nhất trong chiến lược giảm phụ thuộc vào cơ chế định giá và đồng USD của phương Tây.
Trước đây, Trung Quốc từng thử đẩy mạnh vai trò của đồng NDT trong giao dịch vàng, nhưng kết quả còn hạn chế. Lần này, chiến dịch có quy mô lớn hơn nhiều, với kỳ vọng thực sự mở rộng ảnh hưởng của SGE ra thị trường toàn cầu.
Bối cảnh hiện tại đang ủng hộ kế hoạch này: giá vàng liên tiếp lập đỉnh, có lúc vượt mốc 3.500 USD/ounce, trong khi đồng USD mất giá mạnh do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Tham vọng của Trung Quốc không chỉ nhằm thách thức vị trí của LME hay Comex, mà còn là bước tiến trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao vị thế tài chính toàn cầu, giảm ảnh hưởng của USD và thúc đẩy hợp tác trong nhóm BRICS.
Tuy vậy, thách thức còn lớn. Dù là trung tâm sản xuất và tiêu thụ kim loại quý hàng đầu, các sàn giao dịch của Trung Quốc vẫn còn bị đánh giá thấp về tính thanh khoản, minh bạch và sự tin tưởng từ nhà đầu tư quốc tế. SGE hiện vẫn chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và thiếu mạng lưới toàn cầu như các đối thủ phương Tây.
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, SGE có thể thống trị khu vực châu Á, nhưng việc giành vai trò dẫn dắt toàn cầu là một quá trình dài. Nếu Trung Quốc thành công, cán cân quyền lực tài chính có thể bị dịch chuyển – kéo theo một cuộc đối đầu mới giữa các cường quốc tài chính, làm gia tăng biến động thị trường và bất ổn kinh tế toàn cầu.