Investing.com -- Thái Lan đang đối mặt với nguy cơ chịu thiệt hại nghiêm trọng từ chính sách thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump đề xuất.
Nếu các cuộc đàm phán giữa hai bên không đạt kết quả trước khi thời hạn tạm hoãn thuế kết thúc vào tháng Bảy, hàng hóa Thái Lan có thể bị áp thuế lên tới 36%.
Ông Chookiat Ophaswongse – Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) – cho rằng nếu mức thuế này được áp dụng, gạo jasmine của Thái sẽ mất lợi thế cạnh tranh do giá bán quá cao. Theo ông, mức thuế này có thể đẩy giá gạo từ 1.000 USD lên 1.400 - 1.500 USD mỗi tấn, khiến các nhà nhập khẩu có xu hướng chuyển sang mua gạo jasmine của Việt Nam – vốn có giá chỉ khoảng 580 USD/tấn.
Trong năm 2024, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 9,94 triệu tấn gạo, đạt giá trị 6,82 tỷ USD (225,65 tỷ baht). Riêng thị trường Mỹ tiêu thụ 849.000 tấn, chủ yếu là gạo thơm – dòng sản phẩm có giá trị cao nhất. Xét về giá trị, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của gạo Thái.
Ông Chookiat nhận định rằng nếu bị đánh thuế, xuất khẩu gạo sang Mỹ sẽ chững lại, và Việt Nam – với giá thành rẻ hơn – sẽ trở thành lựa chọn thay thế của các đối tác nhập khẩu. Gạo Việt Nam có lợi thế vì chi phí sản xuất thấp, canh tác linh hoạt với nhiều giống lúa khác nhau và có thể thu hoạch quanh năm.
Thêm vào đó, nông dân Thái hiện đang chịu áp lực từ sự sụt giảm giá gạo trong nước – giảm 30% kể từ khi Ấn Độ nối lại xuất khẩu vào tháng 9 vừa qua. Trước khi áp đặt lệnh cấm, Ấn Độ từng chiếm tới 40% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2022.
Các chuyên gia đánh giá rằng Thái Lan khó có thể giảm giá thêm để cạnh tranh, bởi chi phí sản xuất vốn đã cao trong khi năng suất lại thấp. Ông Somporn Isvilanonda, chuyên gia kinh tế nông nghiệp, nhấn mạnh: "Nếu tiếp tục hạ giá, nông dân Thái sẽ không thể trụ nổi".
Ngành nông nghiệp Thái Lan và người dân đang đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đàm phán do Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira dẫn đầu nhằm tháo gỡ khó khăn với phía Mỹ.