Investing.com -- Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, Mỹ dường như muốn thu hút các đồng minh về phía mình. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu đã khiến nhiều đối tác, bao gồm Anh và Singapore, cảm thấy bị đẩy xa hơn khỏi Washington.
Cuối tháng 4, Anh và Singapore thông báo vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump, mặc dù đã trải qua thời gian dài đàm phán. Đây là hai trong số hàng chục quốc gia đang nỗ lực đàm phán để được Mỹ hủy hoặc giảm thuế đối ứng vốn ở mức rất cao.
Trong khi đó, Trung Quốc không có dấu hiệu lùi bước. Nhiều đối tác của Mỹ không còn chắc chắn về liên minh với Washington dưới chính quyền ông Trump. Đòn thuế "ngày giải phóng" của Mỹ không có sự phân biệt giữa đồng minh hay đối thủ, làm gia tăng mối lo ngại về mức độ tin cậy với Washington giữa lúc thế giới chứng kiến nhiều biến động.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh đã xuất hiện những vết nứt ngay cả trước khi áp thuế mới. Ông Trump đã khiến đồng minh châu Âu bất ngờ khi thúc đẩy đàm phán với Nga, phá vỡ thế cô lập mà phương Tây tạo ra dưới nhiệm kỳ của ông Joe Biden. Những ý tưởng về sáp nhập lãnh thổ Greenland và Canada cũng khiến nhiều lãnh đạo đồng minh lo ngại.
Thay vì hưởng ứng chính sách của Washington, ngày càng nhiều lãnh đạo ở châu Âu muốn chọn lối đi riêng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói chuyện cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngay sau khi Mỹ áp thuế quan. Một hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 7.
EU và Bắc Kinh gần đây cũng nhất trí tái khởi động đàm phán để giải quyết tranh chấp về nhập khẩu xe điện Trung Quốc, mặt hàng bị Liên minh châu Âu áp thuế cách đây vài tháng.
Khi thăm Trung Quốc tháng trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã kêu gọi châu Âu xem xét lại quan hệ với Bắc Kinh khi khu vực phải tìm cách thích nghi với thực tế mới. Tuyên bố của ông đã nhanh chóng vấp chỉ trích từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người cảnh báo châu Âu rằng hợp tác với Bắc Kinh chỉ là cách "tự làm hại mình".
Khi tiếp đón ông Sanchez, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết châu Âu và Trung Quốc phải "cùng nhau bảo vệ toàn cầu hóa kinh tế và môi trường thương mại quốc tế, cùng chống lại các hành động đơn phương và bắt nạt".
Trong khi đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Singapore cũng đang cân nhắc những bước đi riêng, khi niềm tin vào Washington bị sứt mẻ vì đòn thuế.
Ngay cả với Australia, quốc gia gần gũi với Mỹ cả về văn hóa và chính trị, mối quan hệ song phương cũng đang dần mang tính giao dịch hơn. Cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull nói: "Chính Mỹ đã phá hỏng quan hệ với các đồng minh. Nhưng dù không thể chia sẻ các giá trị theo cách từng làm, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc về lợi ích chung. Vì vậy, còn quá sớm để tuyên bố mạng lưới liên minh của Mỹ đã chấm dứt".
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt bác bỏ quan điểm Mỹ đang khiến đồng minh xa lánh. Bà nói: "Họ cần Mỹ, cũng như mô hình kinh doanh và thị trường của chúng tôi để tồn tại. Và Tổng thống Trump đang sử dụng đòn bẩy đó để mang lại lợi thế cho chúng tôi".
Chính quyền Trump dường như cũng tin rằng "Trung Quốc cần Mỹ" và sử dụng đòn thuế lên tới 145% để tăng sức ép buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ. Tuy nhiên, Mỹ dường như không lường trước được rằng Trung Quốc sẽ phản ứng một cách cứng rắn với tuyên bố "quyết đấu đến cùng" và không xuống nước, ngay cả khi ông Trump đã dịu giọng rằng sẽ xem xét giảm thuế với Bắc Kinh.
Sau thời gian dài giằng co, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/5 cho biết Mỹ đã tiếp cận nước này để tìm kiếm khả năng đàm phán về mức thuế 145% do Tổng thống Trump áp đặt. Bắc Kinh cũng tuyên bố cởi mở với việc đối thoại.Đây được coi là tín hiệu hạ nhiệt trong cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nước.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Mỹ cần có hành động nhằm sửa chữa "những hành vi sai lầm" và hủy bỏ các mức thuế đơn phương. Washington phải thể hiện "sự chân thành" trong quá trình đàm phán. "Việc lấy đối thoại làm cái cớ để ép buộc sẽ không hiệu quả", bộ này tuyên bố.
Giới quan sát cho rằng không phải tất cả đối tác đều tin Mỹ sẽ giành thế thượng phong trong cuộc đấu với Trung Quốc. Nhiều quốc gia hiện coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, không phải Mỹ. Australia là một ví dụ. Giá trị xuất khẩu của nước này sang Mỹ chỉ bằng 15% lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chuyên gia Thẩm Thi Vĩ thuộc Đại học Sư phạm Chiết Giang nhận định: “Mỹ đang dựng tường chắn, trong khi Trung Quốc xây cầu nối”. Theo ông, không giống Mỹ, Trung Quốc không yêu cầu các quốc gia phải lựa chọn phe.
Thành viên Nghị viện châu Âu Bernard Guetta cảnh báo nếu chính quyền ông Trump không điều chỉnh chiến lược và chính sách thuế quan, việc EU xích lại gần Trung Quốc là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Ông cho rằng: “Châu Âu ngày càng hướng đến Trung Quốc, vì chính quyền mới ở Mỹ đang gây khó khăn, thay vì tạo điều kiện hợp tác”.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo châu Âu khác thể hiện sự thận trọng hơn. Ông Nicolas Zippelius, thành viên quốc hội Đức, nhấn mạnh căng thẳng với Mỹ không có nghĩa châu Âu sẽ ngay lập tức ngả về phía Trung Quốc. Ông cho rằng giải pháp lý tưởng là EU cần đa dạng hóa quan hệ thương mại, ưu tiên hợp tác với những nước cùng chí hướng như Nhật Bản hoặc các nước vùng Vịnh, dù thừa nhận đây là nhiệm vụ “rất khó khăn”.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng bày tỏ lo ngại rằng chiến lược áp thuế của ông Trump có thể phản tác dụng. “Đây không phải cách đối xử với bạn bè. Không thể vừa đe dọa đánh thuế, vừa yêu cầu hợp tác. Cách làm đó chỉ khiến đồng minh rời xa hơn”, ông cảnh báo.